Đề xuất quản lý đơn hàng quốc tế giao dịch thương mại điện tử

Bộ Tài chính đề xuất mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được miễn thuế nhập khẩu cho tối đa 4 đơn hàng quốc tế giao dịch thương mại điện tử giá trị nhỏ trong một tháng.

Đây là một trong những nội dung thuộc dự thảo Nghị định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, giao dịch qua thương mại điện tử đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Theo quy định hiện hành, hàng hoá gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có giá trị hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, chưa có cụ thể số lần hoặc cụ thể lô hàng được miễn thuế nên người khai hải quan lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng nhằm trốn thuế, Bộ Tài chính cho biết.

Do vậy, để tương đồng với hàng hoá gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh, Bộ Tài chính đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống. Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1 triệu đồng cũng được miễn thuế nếu có tổng số tiền thuế nhập khẩu dưới 100.000 đồng.

Tuy nhiên, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được miễn thuế không quá 1 đơn hàng trên ngày và 4 đơn hàng trên một tháng. "Quy định như trên nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách miễn thuế để chia, tách hàng hóa nhằm trốn thuế khi mua bán hàng qua giao dịch thương mại điện tử", Bộ Tài chính cho biết.

Qua công tác quản lý, cơ quan hải quan đánh giá, lượng giao dịch thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh và các dịp lễ hoặc dịp giảm giá.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, riêng lượng hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan Hà Nội đạt kim ngạch hơn một tỷ USD (tháng 6 là 416 triệu USD, tăng 5 lần so với tháng 1). Riêng kim ngạch tháng 6 là 416 triệu USD, gấp 5 lần kim ngạch của tháng 1.

Năm ngoái, một công ty tại Hà Nội chuyên làm thủ tục nhập khẩu hàng cho sàn Shopee, Lazada của Trung Quốc có kim ngạch hơn 551 triệu USD. Còn trong quý I năm nay, kim ngạch của công ty này là gần 70 triệu USD, tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ, quý II là 49 triệu USD, tăng hơn 1,6 lần.

Hàng hoá giao dịch thương mại điện tử chủ yếu là hàng hoá phục vụ tiêu dùng, hàng giá trị nhỏ và hiện nay chủ yếu được các hãng chuyển phát nhanh vận chuyển, làm thủ tục và giao cho khách hàng mua.

Giao diện của một sàn thương mại điện tử trong top nhiều người dùng nhất tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.

Giao diện của một sàn thương mại điện tử trong top nhiều người dùng nhất tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.

Theo quy định hiện hành, thủ tục hải quan với hàng hoá xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử hay xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống là như nhau.

Tuy nhiên, đặc điểm của hàng xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử trong thời gian vừa qua tăng nhanh, thời gian tiến hành giao dịch mua bán đơn giản, nhanh chóng. Do cơ quan quản lý chưa có cơ chế quản lý riêng nên việc làm thủ tục hải quan và thủ tục khác gặp khó khăn trong việc nhận hàng mua từ nước ngoài. Một bộ phận mua hộ hàng hoá trên website và vận chuyển về theo con đường không chính thống, đăc biệt là qua đường bộ.

Do đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất một số quy định giao dịch thương mại điện tử qua biên giới, nhằm quản lý hải quan nhưng không ảnh hưởng sự phát triển.

Bộ Tài chính đánh giá, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Hiệp hội thương mại điện tử tại báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) đánh giá tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam là 25-30% trong 5 năm gần đây. Nếu vẫn duy trì được mức tăng trưởng này, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tới năm 2025 sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.

Nguồn: https://vnexpress.net/de-xuat-quan-ly-don-hang-quoc-te-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-4350545.html

Liên hệ với CRIF D&B Việt Nam để được tư vấn:

 

Đang gửi....
0 Bình luận

Bài viết khác

Tư vấn

Copyright © 2019 CRIF D&B VIETNAM LLC - All Rights Reserved.